Hỏi đáp

Kính chào quý công ty, Tôi muốn nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vậy tôi cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì để làm hồ sơ công bố?

Luật Trường Thành trả lời:

                           HỒ SƠ YÊU CẦU ĐỂ LÀM CÔNG BỐ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

- mẫu sản phẩm (để nộp đối chiếu tại cục an toàn thực phẩm và để kiểm nghiệm sản phẩm ạ).

- Chứng nhận bán tự do (certificate of free sale) hoặc chứng nhận y tế (health certificate): của sản phẩm, ghi rõ tên sản phẩm, loại sản phẩm là thực phẩm (health function) do cơ quan có thẩm quyền của Hàn quốc cấp (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm). Tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự ở Đại sứ quán Việt Nam ạ.

 - Chứng nhận GMP (Good Manufacturer Practices): của nhà máy sản xuất ra sản phẩm. GMP do cơ quan quản lý về thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cấp, trong GMP có đủ nội dung theo quy định của luật Việt Nam ạ. (khi chị làm nếu cần em sẽ gửi mẫu GMP bên Hàn cho chị ạ).

- Specification của sản phẩm: do nhà sản xuất ban hành (có chữ ký và đóng dấu của nhà sản xuất ạ).

 - nhãn sản phẩm (nếu có maket thiết kế ạ, nếu không e sẽ chụp ảnh nhãn sản phẩm làm mẫu ạ).

- thông tin về sản phẩm; bao gồm: thành phần (có đủ hàm lượng % của từng thành phần), hạn sử dụng, công dụng, quy cách đong gói).

- đăng ký kinh doanh công ty nhập khẩu vào việt nam.

- chữ ký số để ký số hồ sơ nộp online trên trang web của cục an toàn thực phẩm.

 

Xem thêm

Câu hỏi: Tôi muốn được tư vấn về nội dung bắt buộc cần có khi xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng và nội dung giấy các nhận quảng cáo sẽ được Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cấp gồm những thông tin gì? Rất mong nhận được giải đáp từ Quý công ty.

Luật Trường Thành trả lời:

– Nội dung bắt buộc phải có khi quảng cáo thực phẩm chức năng bao gồm:

1. Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

2. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây:

a) Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

3. Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 nêu trên và các nội dung sau đây:

a) Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);

b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

5. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 nêu trên.

Như vậy, khi tiến hành xây dựng nội dung để xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng, cần chú ý những nội dung bắt buộc nêu trên phải có.

– Nội dung giấy xác nhận quảng cáo thực phẩm chức năng bao gồm những thông tin sau:

Sau khi hồ sơ xin giấy phép được nộp và được Cục an toàn vệ sinh thực phẩm chấp nhận, Cục ATVSTP sẽ cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho đơn vị xin giấy phép, nội dung giấy xác nhân bao gồm:

+ Thông tin vể tổ chức, cá nhân được quảng cáo

+ Thông tin về địa chỉ của tổ chức, cá nhân

+ Thông tin về nội dung quảng cáo gồm: tên sản phẩm quảng cáo, số tiếp nhận quảng cáo, hình thức quảng cáo

+ Thông tin về tài liệu quảng cáo kèm như Maket, TVC, Tờ rơi…vv.

Sau khi được cấp giấy xác nhận quảng cáo thực phẩm chức năng, đơn vị được cấp phép sẽ tiến hành quảng cáo theo nội dung đã xin phép và thể hiện trong giấy xác nhận nêu trên.

Xin Giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng ở đâu?

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ và cấp giấy xác nhận quảng cáo thực phẩm chức năng là Cục an toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế

Thời hạn giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng?

Thời hạn giấy xác nhận nội dung quảng cáo là tương ứng với thời hạn còn lại của giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng.

Lệ phí xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng?

Lệ phí cho việc xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng là 1.800.000 VND

 

Xem thêm

Câu hỏi: Bên mình là công ty mới, hiện mình muốn làm hồ sơ công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu (liên quan đến bệnh tiểu đường và thải độc gan), tư vấn giúp mình về thủ tục đăng ký hồ sơ công bố thực phẩm chức năng. Xin chân thành cảm ơn!

Luật Trường Thành trả lời: 

Hồ sơ công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu

  • Bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được soạn theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP;
  • Bản kê khai thông tin chi tiết về sản phẩm – Mẫu số 03b ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP (văn bản có đóng dấu giáp lai của tổ chức, cá nhân yêu cầu công bố);
  • Giấy chứng nhận lưu hành tự do/ giấy chứng nhận y tế/ giấy chứng nhận tương đương được cấp bỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cửa nước sản xuất. Nội dung trong đó cần thể hiện sản phẩm an toàn với sức khỏe người dùng và phù hợp với quy định pháp luật về thực phẩm (Có thể nộp bản gốc hoặc bản sao có công chứng hợp pháp);
  • Phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm chức năng trong vòng 12 tháng kể từ ngày kiểm nghiệm. Trong đó các tiêu chí cần có gồm: chỉ tiêu theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, của phòng kiểm nghiệm. Tổ chức, cá nhân có thể chọn nộp bản gốc hoặc bản sao công chứng có kèm bản gốc để đối chiếu hoặc được hợp pháp hóa lãnh sự, 
  • Bản kế hoạch giám sát định kỳ;
  • Nhãn sản phẩm lưu hành tại nước xuất xứ và nhãn phụ bằng tiếng Việt;
  • Mẫu sản phẩm hoàn chỉnh;
  • Thông tin, tài liệu khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc công dụng của mỗi thành phần tạo nên thực phẩm chức năng đã công bố.

Cách nộp hồ sơ

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu theo yêu cầu để công bố, các tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Cục an toàn thực phẩm theo quy định một cửa.

Làm hồ sơ theo yêu cầu tại các văn bản pháp lý sau:

  • Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;
  • Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm,
  • Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 của Bộ Y tế Hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Số lượng hồ sơ: 02 bộ hồ sơ công bố hợp quy và 01 bộ hồ sơ pháp lý chung

Thời hạn thực giải quyết

Theo thông tin nhận được từ Bộ y tế – Cục an toàn thực phẩm, thời hạn giải quyết công bố thực phẩm chức năng kéo dài trong vòng 7 ngày làm việc. Trường hợp tài liệu cung cấp thiếu hoặc không chính xác sẽ kéo dài thêm.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính

Sau khi đã thẩm định và chấp thuận hồ sơ công bố thực phẩm chức năng, Bộ y tế sẽ trả lại kết quả dưới dạng giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Xem thêm

Câu hỏi: Công ty em đã nộp hồ sơ công bố mỹ phẩm và băn khoăn không biết thời gian giải quyết của cơ quan tiếp nhận là bao lâu ạ!? Em xin chân thành cảm ơn,

Luật Trường Thành trả lời: 

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố theo quy định của tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. 

Nếu hồ sơ công bố chưa hợp lệ thì trong vòng 05 ngày (kể từ ngày nhận được hồ sơ) cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản về các nội dung chưa đáp ứng để sửa đổi, bổ sung hồ sơ. 

Trong vòng 05 ngày tiếp theo, hồ sơ bổ sung đáp ứng theo quy định của Thông tư này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Nếu hồ sơ sửa đổi, bổ sung không đáp ứng theo quy định thì trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, cơ quan tiếp nhận sẽ có thông báo công bố sản phẩm mỹ phẩm cho sản phẩm không thành công.

Trường hợp 03 tháng không nhận được hồ sơ bổ sung thì hồ sơ sẽ không còn giá trị. Lúc này muốn tiếp tục công bố thì tổ chức, cá nhân cần nộp hồ sơ và lệ phí từ đầu.

Xem thêm

Câu hỏi: Công ty tôi đang kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm mới và theo như tôi tìm hiểu thì nếu bên tôi muốn quảng cáo mỹ phẩm thì phải xin giấy phép quảng cáo trước khi tiến hành quảng cáo. Thì thủ tục để xin Giấy phép quảng cáo này là như thế nào ạ?! Tôi xin chân trành cảm ơn!

Luật Trường Thành trả lời: 

Giấy phép quảng cáo mỹ phẩm là gì?

Giấy phép quảng cáo mỹ phẩm là giấy phép được Sở y tế cấp cho đơn vị quảng cáo sau khi thẩm định hồ sơ xin xác nhận nội dung quảng cáo và thấy hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, chỉ khi được cấp giấy xác nhận quảng cáo mỹ phẩm đơn vị quảng cáo mới có thể tiến hành quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm.

Theo quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn, quảng cáo mỹ phẩm là loại hình quảng cáo bắt buộc phải xin giấy phép cho nội dung quảng cáo. Chỉ khi nào nội dung quảng cáo được cơ quan cấp phép đồng ý cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm, chủ sở hữu nội dung quảng cáo mới được phép quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo.

Như vậy, có thể thấy rằng quảng cáo mỹ phẩm là loại hình quảng cáo có điều kiện và được cơ quan cấp phép kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi tiến hành quảng cáo.

Cơ quan cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm

Nhiều khách hàng khi tiến hành thủ tục xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm vẫn lầm tưởng là cơ quan cấp giấy phép quảng cáo đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu là Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và Sở Y Tế đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi xin lưu ý dù sản phẩm mỹ phẩm của khách hàng là sản phẩm nhập khẩu hay sản xuất trong nước, cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo là Sở Y tế tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Quy định về quảng cáo mỹ phẩm

Mội số vấn đề đơn vị xin giấy phép quảng cáo cần chú ý khi xin giấy phép bao gồm:

– Sản phẩm mỹ phẩm đăng ký quảng cáo phải có phiếu công bố mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế (được Cục quản lý dược hoặc sở y tế cấp số Công bố mỹ phẩm).

– Nội dung sản phẩm quảng cáo không được trái hoặc khác với nội dung sản phẩm đã được thể hiện trong phiếu công bố như tác dụng, thành phần, nhà sản xuất, đơn vị phân phối….vv

Ngoài ra, nội dung quảng cáo không được trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, mọi trường hợp quảng cáo không đúng với nội dung trong phiếu công bố sẽ đều bị từ chối cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm.

Hồ sơ xin xác nhận quảng cáo mỹ phẩm

Để có thể tiến hành quảng cáo, chủ sở hữu phải chuẩn bị hồ sơ quảng cáo theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Nội dung hồ sơ quảng cáo mỹ phẩm bao gồm:

– Đơn xin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo ( Luật Hoàng Phi soạn thảo trên thông tin khách hàng cung cấp);

– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty;

– Nội dung quảng cáo, cụ thể:

+ 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, đĩa mềm kèm theo 02 bản kịch bản (đ­ược đóng dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo) đối với quảng cáo trên truyền hình, điện ảnh, phát thanh.

+ 02 bản ma-ket nội dung dự kiến quảng cáo (đ­ược đóng dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo) và kèm theo file mềm ghi nội dung đăng ký quảng cáo đối với quảng cáo trên báo viết, tờ rơi, pốt-x-tơ (poster), áp phích hoặc in ấn trên vật dụng khác, quảng cáo trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng thông tin điện tử của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo, internet

– Bản sao chứng thực Phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm có dấu xác nhận của Sở y tế hoặc Cục quản lý Dược;

– Văn bản đồng ý của chủ thể xuất hiện trong nội dung quảng cáo (sử dụng hình ảnh thật)

– Một số giấy tờ khác theo quy định (tùy từng trường hợp cụ thể)

Lưu ý nội dung quảng cáo:

– Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu sau đây:

+ Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật;

+ Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

– Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau đây:

+ Tên mỹ phẩm;

+ Tính năng, công dụng của mỹ phẩm;

+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

+ Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế .

–  Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Thủ tục xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm

Thủ tục tiến hành xin giấy phép quảng cáo sẽ được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Đơn vị quảng cáo chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép quảng cáo như đã tư vấn ở trên

Bước 2: Đơn vị quảng cáo tới Sở y tế để nộp hồ sơ xin giấy phép quảng cáo cho mỹ phẩm

Bước 3: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhận hồ sơ quảng cáo và ghi giấy biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả hồ sơ

Bước 4: Đơn vị quảng cáo theo dõi tình trạng hồ sơ, kịp thời bổ sung hoặc sửa chữa hồ sơ (nếu có) theo yêu cầu từ cơ quan đăng ký

Bước 5: Chủ sở hữu nhận kết quả giấy xác nhận nội dung quảng cáo;

Bước 6: Đơn vị quảng cáo tiến hành quảng cáo cho nội dung đã được xác nhận

Lưu ý: Khi có bất kỳ thay đổi nội dung quảng cáo trong giấy xác nhận quảng cáo, Đơn vị quảng cáo sẽ cần tiến hành thủ tục xin lại giấy phép quảng cáo

Xem thêm

Câu hỏi: Công ty tôi đang muốn được cấp giấy chứng nhận công bố mỹ phẩm thì bên tôi cần tiến hành một số thủ tục theo quy định gì!? Tôi xin cảm ơn!

Luật Trường Thành trả lời: 

Để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm các cá nhân/tổ chức cần tiến hành một số thủ tục theo quy định. Vậy những quy trình thủ tục đó là gì? 

Giấy công bố mỹ phẩm là kết quả mà các cá nhân, tổ chức nhận được sau khi tiến hành những thủ tục theo đúng quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế, giấy công bố mỹ phẩm là một tên gọi không đầy đủ và chưa thật sự chính xác, nhưng vì ngắn gọn, dễ nhớ nên mọi người hay sử dụng. Còn tên gọi đầy đủ chính là Phiếu công bố mỹ phẩm hay còn gọi giấy chứng nhận công bố mỹ phẩm.

Làm thế nào để được cấp giấy công bố mỹ phẩm?

Để được cơ quan nhà nước xem xét và cấp giấy công bố mỹ phẩm các cá nhân/tổ chức phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp phiếu thông qua quy trình sau:

– Bước 1: Cá nhân/tổ chức chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ công bố mỹ phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Bước 2: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm;

– Bước 3: Xem xét, thẩm định hồ sơ công bố mỹ phẩm. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa nội dung trong hồ sơ sao cho hợp lệ.

– Bước 4: Ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm khi hồ sơ hợp lệ.

Như vậy sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục mà Luật Hoàng Phi nêu trên, cá nhân, doanh nghiệp sẽ được cấp Số phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (giấy công bố mỹ phẩm). Đây là cơ sở, có giá trị chứng nhận sản phẩm mỹ phẩm đã khai báo vớ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lưu thông trên thị trường.

Lưu ý: Giấy chứng nhận công bố mỹ phẩm không có giá trị chứng nhận sản phẩm đó đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, đáp ứng cả các yêu cầu của Hiệp định ASEAN và các phụ lục kèm theo.

Hồ sơ để được cấp giấy công bố mỹ phẩm gồm những gì?

Hồ sơ công bố mỹ phẩm sẽ được chia thành hồ sơ công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước và hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về. Chi tiết thành phần hồ sơ như sau:

– Hồ sơ công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước:

+ Phiếu công bố mỹ phẩm theo mẫu chung của Bộ Y Tế;

+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư đối với đơn vị tiến hành công bố;

+ Bản gốc Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho đơn vị phân phối được nhà sản xuất ủy quyền tiến hành công bố (Nội dung ủy quyền phải đúng và đầy đủ theo quy định của Bộ y tế)

+ Đĩa CD chứa hồ sơ công bố (file mềm phiếu công bố và giấy tờ kèm hồ sơ công bố)

+ Bản sao chứng thức giấy phép sản xuất của nhà sản xuất mỹ phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho đơn vị sản xuất;

+ Văn bản chứng minh về thành phần của sản phẩm với những sản phẩm mỹ phẩm có thành phần bắt buộc phải chứng minh công dụng, tác hại theo quy định của Luật ;

– Hồ sơ Công bố mỹ phẩm nhập khẩu

+ Phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu (theo mẫu);

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đơn vị đứng tên trong hồ sơ công bố (bản sao công chứng) – Nội dung đăng ký kinh doanh có ngành nghề sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm;

+ Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tự do và Giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho nhà phân phối được phép thay mặt nhà sản xuất tiến hành công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam;

Lưu ý: 02 tài liệu nêu trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi sử dụng tại Việt Nam

+ CD chứa nội dung phiếu công bố, tài liệu kèm theo phiếu công bố;

+ Tài liệu khoa học hoặc bản giải trình của nhà sản xuất về công dụng, thành phần của sản phẩm mỹ phẩm (nếu có)

Cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm

Nơi tiếp nhận và xử lí hồ sơ công bố mỹ phẩm được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể như sau:

– Đối với mỹ phẩm nhập khẩu: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Cục Quản lý dược – Bộ Y tế.

– Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước: Tổ chức, cá nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất.

–  Đối với mỹ phẩm kinh doanh trong các phạm vi khác sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lí mỹ phẩm.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

Câu hỏi: Kính chào Công ty, em đang kinh doanh mỹ phẩm nhỏ theo hộ kinh doanh và mới mở bán gần đây. Liệu em có phải nộp thuế môn bài khi vừa bắt đầu mở bán không ạ? Và nộp ở đâu?

Luạt Trường Thành trả lời:

Thứ nhất, về mức nộp thuế môn bài

Vì anh/chị là hộ kinh doanh và đang thực hiện hoạt động kinh doanh do đó anh/chị có trách nhiệm nộp thuế môn bài theo quy định. Tuy nhiên, tùy vào doanh thu để nộp theo từng mức khác nhau. Căn cứ vào khoản 2,3,4,5 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về nộp thuế môn bài với cá nhân kinh doanh như sau:

2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

3. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.

4. Tổ chức quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

5. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều này có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Ngoài ra, nếu như anh/chị mới kinh doanh và mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn nộp thuế môn bài quy định tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 139/2016/NĐ-CP : “Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống”

Như vậy, Dựa trên thực tế doanh thu của anh/chị để thực hiện nộp thuế môn bài.

Thứ hai, về cơ quan có trách nhiệm thu thuế môn bài

Căn cứ theo khoản 1, Điều 28 Thông tư số 156/2013/TT-BTC

“1. Người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, vào ngân sách nhà nước

a) Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

b) Tại Kho bạc Nhà nước;

c) Tại cơ quan thuế quản lý thu thuế;

d) Thông qua tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế;

Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật, Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế quản lý thu thuế, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế (gọi chung là cơ quan, tổ chức thu tiền thuế) có trách nhiệm bố trí địa điểm, phương tiện, cán bộ, công chức, nhân viên thu tiền thuế bảo đảm thuận lợi cho người nộp thuế nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt kịp thời vào ngân sách nhà nước.”

Xem thêm

Câu hỏi: Nếu công ty tôi ứng trước 70$, người lao động mang hóa đơn chỉ tương ứng 50$ thì 50$ đó có bị tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không? Nếu nhân viên được nhận luôn 20$ còn lại thì 20$ còn lại có tính thuế TNCN không?

Luật Trường Thành trả lời:

Trường hợp 70$ là thu nhập chịu thuế thì không phải tính thuế TNCN trên phần tạm ứng là 70$ mà phải tính thuế TNCN dựa trên tổng số tiền lương người lao động nhận được đã bao gồm số tiền 70$ đó.

Việc có tính thuế TNCN hay không không phụ thuộc vào việc có hóa đơn đối với 50$ và 20$ hay không.

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, công ty bạn đã “ứng trước” cho người lao động, vì vậy có sự ràng buộc giữa quyền và nghĩa vụ giữa hai bên nên có thể trường hợp của bạn là công ty tạm ứng tiền lương, tiền công cho người lao động.

Trường hợp này bạn đã tạm ứng 70$ tiền lương cho người lao động trong đó 50$ có hóa đơn xác nhận còn 20$ không được xác nhận tại bất kỳ giấy tờ tài liệu nào.

Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 không quy định riêng về trường hợp tiền lương, tiền công tạm ứng mà chỉ quy định “Thu nhập từ tiền lương, tiền công” là khoản thu nhập chịu thuế theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.

Theo điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

Như vậy, không phân biệt là số tiền tạm ứng trên được ứng cho tháng nào, thời gian nào mà chỉ cần số tiền đó được công ty bạn trao cho người lao động tại thời điểm nào thì sẽ được coi đó là thu nhập của người đó phát sinh tại thời điểm đó.

Căn cứ tính thuế:

Đối với trường hợp người lao động của công ty bạn là cá nhân cư trú, theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì “Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất. Thu nhập tính thuế bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ.”

Đối với trường hợp người lao động của công ty bạn là cá nhân không cư trú, theo Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế được xác định bằng “thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và thuế suất”.

Như vậy, việc số tiền 70$ trên có tính thuế TNCN không, không phụ thuộc vào việc có hóa đơn xác nhận hay không mà phụ thuộc việc thu nhập trên có thuộc thu nhập tính thuế, thu nhập chịu thuế hay không.

Xác định thu nhập chịu thuế

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là loại thu nhập chịu thuế TNCN. Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì những khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện chịu thuế bao gồm:

- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền;

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp (trừ các khoản b.1 đến b.11);

- Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật…;

- Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát…;

- Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức;

- Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán (trừ các khoản e.1 đến e.4).

Xác định thu nhập tính thuế

Xác định tính thuế TNCN đối với người lao động là cá nhân cư trú theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/TT-BTC và đối với người lao động là cá nhân không cư trú theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 111/TT-BTC

Cụ thể:

- Đối với trường hợp người lao động của công ty bạn là cá nhân cư trú:

Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC “Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ [...]” Theo đó, sau khi đã tính được mức thu nhập tính thuế đã bao gồm khoản tiền tạm ứng thì sẽ dựa vào biểu thuế suẩt để tính thuế phải nộp.

- Đối với trường hợp người lao động của công ty bạn là cá nhân không cư trú:

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20% (khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC).

Như vậy, trong trường hợp này thì công ty phải nộp thuế đối với phần thu nhập chịu thuế đã bao gồm khoản tạm ứng chịu thuế mà không có trường hợp ngoại lệ.

Xem thêm

Câu hỏi: Cho em hỏi: Em mới kinh doanh ngành nghề xây dựng. Nhưng em chưa đăng ký giấy phép kinh doanh vì mới mở bán. Có phải là em được quyền đăng ký GPKD trong vòng 6 tháng phải không ạ? Tức là em mới mở không biết bán được không nên em muốn đợi xem tình hình trong vòng 6 tháng kinh doanh thế nào rồi em mới đi đăng ký GPKD được không ạ?

Luật Trường Thành trả lời:

Luật sư Luật Trường Thành xin trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014 thì một trong các nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hiện tại theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp khi kinh doanh phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp kịp thời. Trường hợp không thực hiện đăng ký kinh doanh mà vẫn thực hiện hoạt động buôn bán kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi doanh nghiệp và hộ kinh doanh không thực hiện đăng ký kinh doanh như sau:

“Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.”

Như vậy, trường hợp của bạn nếu kinh doanh được 6 tháng nhưng chưa thực hiện đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên.

Bên cạnh đó, chủ kinh doanh sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Xem thêm

Câu hỏi: Do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, công ty tôi đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, công ty tôi chưa thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Vậy xin hỏi: công ty tôi sẽ bị xử phạt gì đối với việc tạm ngừng hoạt động nhưng không thông báo không? Tôi xin chân thành cảm ơn !

Luật Trường Thành trả lời:

Căn cứ vào những thông tin ban đầu bạn cung cấp, chúng tôi có ý kiến tư vấn sơ bộ như sau:

Tạm ngừng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải “thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh”.

Nếu doanh nghiệp tự ý tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về biện pháp xử phạt hành chính

Điều 32 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

[…]

d) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời Điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh;

[…]

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;

[…]

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế nội dung theo quy định đối với hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Buộc thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh các nội dung theo quy định đối với hành vi vi phạm tại Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.

Như vậy, pháp luật có quy định chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo đó, mức phạt tiền là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng, trường hợp, doanh nghiệp không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện khi đăng ký tạm ngừng kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Và phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, doanh nghiệp có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm không thông báo theo quy định của pháp luật có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:

“1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thuế”.

Như vậy, nếu công ty bạn tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo các quy định trên.

Xem thêm